Điểm danh những món ăn mâm cỗ ngày tết hiện đại không thể thiếu
Trong đời sống tinh thần người Việt, Tết Nguyên Đán là khởi đầu cho một năm mới của gia đình và cả dân tộc. Thế nên dù cuộc sống có bận rộn tới đâu, người dân Việt vẫn cố gắng sắm sửa mâm cỗ Tết để tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên. Vậy mâm cỗ ngày Tết hiện đại có khác gì so với mâm cỗ truyền thống? Những món ăn nào nhất định phải có trong những ngày đất nước chuyển mình giao thoa này?
Mâm cỗ Tết xưa và nay
Tết Nguyên Đán là ngày khởi đầu cho năm mới và cũng là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Vào những ngày đầu năm như thế này, còn gì hạnh phúc hơn khi tất cả mọi người trong gia đình được quây quần sum vầy bên mâm cỗ ngày Tết.
Mâm cỗ tết trang trí đẹp mắt
Đây là dịp để mọi người cùng nhau chia sẻ những món ăn ngon và những câu chuyện vui buồn trong suốt một năm qua.
Nếu Tết xưa mâm cỗ nhất định phải có bánh chưng, bánh tét, giò chả, gà luộc, thịt kho,... thì tết nay vẫn vậy.
Dù cuộc sống hiện đại và phát triển như thế nào đi nữa thì trong mâm cỗ ngày Tết hiện đại chắc chắn không thể thiếu các món ăn truyền thống lâu đời của người Việt.
Vậy, mâm cỗ ngày Tết hiện đại của người Việt gồm có những món ăn nào?
Những món ăn trong mâm cỗ ngày Tết hiện đại
Trải qua hàng ngàn năm thế nhưng ông cha ta vẫn gìn giữ được những nét truyền thống của dân tộc. Những món ăn cổ truyền trong ngày Tết từ xa xưa vẫn còn được lưu giữ mãi cả hiện tại và mãi về sau này.
Bánh chưng
Nhắc đến Tết là nhắc đến bánh chưng xanh – món ăn là linh hồn của mâm cỗ ngày Tết.
Sự kết hợp hài hòa giữa gạo nếp, đậu bùi, tiêu cay và thịt mỡ béo ngậy đã tạo ra chiếc bánh chưng xanh mang đậm hương vị của ngày Tết.
Bánh tét
Nếu miền Bắc đón Tết bằng bánh chưng xanh thì người miền Nam đón Tết bằng những cặp bánh tét. Dù có bận rộn đến mấy, cuối năm gia đình quây quần với nhau gói những đòn bánh tét để đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên, biếu cha mẹ, anh em, họ hàng và xóm giềng thân thiết. Đặc biệt, khoảnh khắc cả gia đình ngồi bên nồi bánh, đợi bánh chín đã đi vào tiềm thức và là ký ức khó quên của người dân Việt Nam.
Giò lụa (chả lụa)
Giò lụa cũng là một món ăn ngày Tết không thể thiếu trong mâm cơm cúng ông bà tổ tiên. Giò lụa được đặt ở vị trí trung tâm và là một trong các món ăn chắc chắn phải có. Một đĩa giò, dưa hành với vài ba chéo bánh chưng/tét là gia chủ đã có ngay món ngon để đãi khách trong những ngày Tết.
Thịt gà luộc
Món ăn ngày Tết tiếp theo chính là gà luộc. Vị ngọt của miếng gà ăn kèm lá chanh và muối ớt cùng với cách trình bày đẹp mắt thực sự đã tạo nên một hương vị khó quên rất riêng làm nên sự phong phú cho mâm cỗ ngày Tết. Mặc dù là món ăn đơn giản nhưng đây lại là món ăn quan trọng không thể thiếu trong mâm cỗ Tết truyền thống của người Việt.
Thịt kho tàu (thịt kho hột vịt)
Cho dù miền Bắc hay Nam thì trong mâm cỗ ngày tết cũng không thể thiếu đi món thịt kho được. Thế nhưng ở mỗi vùng miền lại có cách chế biến khác nhau, mang đậm hương vị truyền thống mỗi vùng miền.
Thịt kho tàu miền Bắc đậm vị còn món kho hột vịt ở phương Nam lại được chế biến thêm với trứng vịt và hương vị ngòn ngọt.
Ngày nay, do sự giao thoa về văn hóa, mâm cỗ ngày Tết hiện đại có thể thêm sự góp mặt của nhiều món ăn khác nhau, tùy theo sở thích của gia đình. Vì vậy, mâm cỗ ngày Tết ngày càng trở nên phong phú, đa dạng và ngon miệng hơn. Nhưng những món ăn trên đây là những món ăn không thể thay thế và mang ý nghĩa tinh thần dân tộc rất lớn.